01/05/2024 14:35 GMT+7

Nguyễn Hữu Nguyên và hoa trái của lòng tốt

Trong cuộc trò chuyện với Nguyễn Hữu Nguyên, anh không nói nhiều về âm nhạc hay về mình mà nói nhiều về lòng tốt - thứ đã nuôi nấng một cậu bé Việt nghèo khó thành nghệ sĩ violon tài năng.

Nghệ sĩ Nguyễn Hữu Nguyên biểu diễn bằng cây đàn vĩ cầm gắn bó với anh hơn 30 năm do người tốt bí ẩn tặng

Nghệ sĩ Nguyễn Hữu Nguyên biểu diễn bằng cây đàn vĩ cầm gắn bó với anh hơn 30 năm do người tốt bí ẩn tặng

Sau khi giành giải nhất Tài năng trẻ violon (1989) và giải nhất violon cuộc thi quốc gia Âm nhạc mùa thu (1990), Nguyễn Hữu Nguyên là một trong những người Việt đầu tiên qua Pháp du học sau ngày đất nước thống nhất và sau đó trở thành một trong vài người châu Á làm việc trong Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Pháp từ năm 1999 cho tới nay.

Tài năng, khổ luyện, đam mê và đầy nghị lực, luôn giữ tinh thần lạc quan, nhưng người nghệ sĩ này khi chia sẻ về thành công của mình toàn "đổ" cho may mắn nhận được lòng tốt ở đời.

Rằng anh may mắn nên được giúp đỡ đi du học, may mắn được những người Pháp bảo bọc hết lần này đến lần khác trong những năm chàng trai nghèo theo học trên đất nước châu Âu xa lạ...

Cho đến bây giờ khi đã thành danh trên thế giới, Nguyễn Hữu Nguyên vẫn nói về người thầy đầu tiên với lòng biết ơn vô hạn. Anh thấy mình may mắn gặp được người thầy đầu tiên biết nuôi dưỡng đam mê trong cậu học trò nhỏ và đã dạy anh bằng tình yêu thương của một người cha.

Từ Nha Trang đến nước Pháp

Nguyễn Hữu Nguyên chơi violon tại Les Invalides, Paris, Pháp

Nguyễn Hữu Nguyên chơi violon tại Les Invalides, Paris, Pháp

Nguyễn Hữu Nguyên sinh ra và lớn lên ở thành phố biển Nha Trang.

Sự sống động và khoáng đạt của biển trời quê hương cho tới nay vẫn vẹn nguyên dấu vết trong người nghệ sĩ đã bước vào tuổi trung niên có nhiều năm sống ở nước ngoài.

Sinh năm 1972, Nguyên lớn lên trong thời hậu chiến vô cùng khó khăn của đất nước nhưng anh nói rằng đổi lại đời sống đó cho anh rất nhiều tình cảm yêu thương, từ ba mẹ cho tới những người thầy.

Mẹ làm cô giáo và xe bánh mì của ba nuôi sống cả gia đình ai cũng mê âm nhạc.

Thấy ba chơi violon vui quá, cả bốn anh em của Nguyên cùng học violon. Nhưng sau này chỉ có Nguyên và em trai Khôi Nam theo đuổi đam mê này.

Nguyên học đàn với người thầy đầu tiên ở thành phố quê nhà, thầy Võ Chí Hiền.

Đó là những năm tháng thiếu thốn cùng cực của đất nước vào đêm trước Đổi mới. Sách vở không có, đàn có khi thủng lỗ vẫn dùng, dây violon không kiếm được phải thay bằng dây guitar...

Những câu chuyện mà sau này Nguyên kể cho các bạn Pháp nghe thì không ai tin nổi. Vậy mà mầm non tài năng trong Nguyên cứ lớn lên từng ngày nhờ bàn tay và tấm lòng của người thầy nơi quê nhà.

Nguyễn Hữu Nguyên khi còn là cậu bé chơi đàn violon ở Nha Trang

Nguyễn Hữu Nguyên khi còn là cậu bé chơi đàn violon ở Nha Trang

Năm 14 tuổi, Nguyên tạm biệt thành phố đầy nắng gió biển khơi và người thầy đầu tiên để lên học tại Nhạc viện TP.HCM.

Ở đây Nguyên cũng may mắn được học với những người thầy rất giỏi, lại yêu thương học trò hết lòng. Học với thầy Bùi Công Thành được 5 năm, tới khi thầy đi Liên Xô thì Nguyên được học với thầy Bích Ngọc (chồng diễn viên điện ảnh Trà Giang).

Với sự dìu dắt của hai người thầy cộng sự khổ luyện và đam mê của bản thân, Nguyên liên tiếp giành giải nhất các cuộc thi âm nhạc.

Năm 1990, sau khi giành giải nhất violon cuộc thi quốc gia Âm nhạc mùa thu, Nguyên nuôi ước mơ được đi du học. Nhưng thời đó đất nước còn đóng cửa với thế giới, rất khó khăn. Mỗi năm chỉ có vài xuất đi du học Liên Xô, rất khó để anh chạm tới ước mơ.

Nguyễn Hữu Nguyên (đứng giữa hàng sau) cùng mẹ và các anh em khi còn nhỏ ở Nha Trang

Nguyễn Hữu Nguyên (đứng giữa hàng sau) cùng mẹ và các anh em khi còn nhỏ ở Nha Trang

Thương và rất tin tưởng vào tài năng của học trò, nghệ sĩ Bích Ngọc nung nấu tìm cách giúp Nguyên.

Đúng lúc, nghệ sĩ nổi tiếng người Pháp Maurice Bourgue đến TP.HCM biểu diễn.

Nghệ sĩ Bích Ngọc đã xin ông nghe thử tiếng đàn của Nguyên và ông nhận lời.

Maurice Bourgue - nghệ sĩ chơi kèn oboist, nhạc sĩ thính phòng, nhà soạn nhạc và chỉ huy dàn nhạc nổi tiếng người Pháp - đã lập tức ấn tượng với tiếng đàn của cậu thanh niên ở xứ sở nghèo khó tưởng chẳng thể nảy mầm được những tài năng âm nhạc cổ điển.

Không chút do dự, Maurice Bourgue đã đưa Nguyên đến Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM, đề nghị lãnh sự quán cấp visa cho anh sang Pháp du học.

Ông bảo tài năng như Nguyên nếu không được đi du học sẽ rất uổng phí, bởi điều kiện học tập nhạc cổ điển lúc bấy giờ ở Việt Nam quá khó khăn.

Uy tín của Maurice Bourgue rất lớn nên Nguyên được cấp visa đi Pháp học nhạc ngay, một trường hợp hiếm hoi lúc bấy giờ.

Đó là năm 1991. Nguyên hầu như là một trong những người Việt đầu tiên đi du học Pháp sau ngày đất nước thống nhất. Lúc ấy, người Việt chủ yếu đi du học ở mấy nước thuộc khối XHCN.

Nghệ sĩ Maurice Bourgue còn giúp giới thiệu Nguyên cho một cô giáo dạy nhạc ở Nhạc viện Boulogne gần Paris để anh theo học trước khi thi đậu vào Nhạc viện Quốc gia Paris (Conservatoire National Suprieur de Musique de Paris) danh tiếng.

Từ đây, nơi xứ người, lại là một hành trình cảm động khác của chàng trai Việt mê cây vĩ cầm.

Hai anh em nghệ sĩ violon Nguyễn Hữu Nguyên (phải) - Nguyễn Khôi Nam trong giờ nghỉ giải lao một buổi hòa nhạc

Hai anh em nghệ sĩ violon Nguyễn Hữu Nguyên (phải) - Nguyễn Khôi Nam trong giờ nghỉ giải lao một buổi hòa nhạc

Không phụ những tấm lòng ân nhân, sau hai năm học tập chăm chỉ, Nguyên tốt nghiệp thủ khoa Nhạc viện Boulogne rồi thi đậu vào ngôi trường danh tiếng nước Pháp là Nhạc viện Quốc gia Paris.

Cây đàn của người tốt bí ẩn

Nguyên còn nhớ những ngày đầu sang Pháp thật gian nan. Tất cả tài sản anh mang chỉ có cây đàn cũ theo anh từ những ngày ở Nha Trang và 100 đô la Mỹ.

Cậu học trò sẽ phải tự lo cho mình bởi ba mẹ với đồng lương giáo viên và xe bánh mì ở quê nhà thì không cách gì giúp đỡ được con mình. Hồi mới sang, anh phải ở nhờ nhà người quen. Một, hai tháng lại đổi chỗ ở.

Để có tiền sinh hoạt, học tập, Nguyên ra kéo đàn ở ga tàu điện ngầm, trên đường phố. Thần may mắn đến với anh trong một lần kéo đàn ngoài ga tàu điện ngầm.

Tiếng đàn của Nguyên đã níu lại bước chân của một người đàn ông. "Kéo đàn hay như vậy thì phải có thời gian nghỉ ngơi, tập đàn ở nhà, ở trường chứ ra metro kéo đàn vậy uổng quá", người đàn ông Pháp nói với Hữu Nguyên như vậy.

Gặp chân tình, anh cũng tâm sự chân tình về cuộc sống khó khăn hiện tại.

Nghệ sĩ violon Nguyễn Hữu Nguyên

Nghệ sĩ violon Nguyễn Hữu Nguyên

Cảm mến tài năng của một người trẻ bơ vơ, người đàn ông lạ mặt đã dắt Nguyên tới một hội từ thiện mà chính ông có đóng góp rất nhiều cho quỹ.

Đó là Tổ chức từ thiện Enfants du Mekong. Họ lập tức cấp cho Nguyên một căn phòng để ở và thức ăn hằng ngày.

Nhờ vậy, Nguyên không còn phải bươn chải quá, được chuyên tâm học tập hơn.

Anh chỉ phải kéo đàn ngoài đường phố, trong ga metro để trang trải cho chuyện học hành.

Sau này anh mới biết ân nhân của mình là giám đốc của một thương hiệu lớn ở Pháp.

Rồi có lần túng quá, Nguyên phải chạy vào phòng giám đốc học viện âm nhạc cầu cứu, bà vợ của ông lập tức giúp đỡ. Học thêm với các thầy cô, Nguyên đều được miễn phí dù các giáo viên thu rất đắt với học sinh Pháp.

Chuyện Nguyên thi đậu vào nhạc viện này cũng lại là một câu chuyện đẹp của lòng tốt.

Ngày anh tham gia kỳ thi tuyển sắp đến, nhưng làm sao chiến binh dũng cảm này có thể chiến đấu với "vũ khí" là cây đàn "cùi bắp" theo anh từ ngày đầu học đàn ở Nha Trang.

Một cây đàn violon Stradivarius có thể lên tới 5 triệu euro. Đàn tốt cho sinh viên đi thi hoặc cho các nghệ sĩ biểu diễn trong dàn nhạc khoảng năm bảy chục ngàn euro, không cách gì cậu học trò nghèo có thể mua được.

Và quỹ từ thiện Enfants du Mekong lại một lần nữa dang tay với anh. Họ có sáng kiến tổ chức buổi hòa nhạc từ thiện do Nguyên biểu diễn, quyên góp tiền giúp anh mua một cây đàn tốt đi thi.

Một tuần sau buổi hòa nhạc, quỹ từ thiện cho biết một người đàn ông giấu mặt đã tặng anh một cây đàn tốt. Niềm hạnh phúc vỡ òa trong Nguyên.

Cây đàn của người tốt bí mật đã nâng bước anh vào cánh cửa ngôi trường danh giá và gắn bó với anh trong từng nốt nhạc vui buồn suốt mấy chục năm qua.

Còn rất nhiều câu chuyện của lòng tốt khác đã nâng bước cho anh em Hữu Nguyên - Khôi Nam bước vào hàng ngũ những nghệ sĩ biểu diễn tài năng của thế giới.

Sau khi ổn định cuộc sống ở Pháp, Nguyên bảo lãnh em trai sang Pháp học đàn cùng mình. Nay thì hai người đã trở thành trường hợp đặc biệt ở Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Pháp khi hai anh em ruột cùng đậu vào dàn nhạc lớn này.

Nguyễn Hữu Nguyên biểu diễn solo cùng một dàn nhạc sinh viên ở Paris (Pháp)

Nguyễn Hữu Nguyên biểu diễn solo cùng một dàn nhạc sinh viên ở Paris (Pháp)

Trả ơn cuộc đời

Dù hơn 20 năm trước đã chọn ở lại nước Pháp để làm việc nhưng anh Nguyên lại đưa ra lời khuyên các bạn trẻ bây giờ du học xong nên trở về nước vì Việt Nam hiện nay đang phát triển, rất cần người tài, trọng người tài.

Còn thời của anh phải chọn ở lại bởi lúc đó đất nước còn nghèo khó quá, nghệ sĩ biểu diễn nhạc cổ điển như anh không thể sống được bằng nghề, ít được biểu diễn mà cũng không có mấy học trò để dạy.

Chọn làm việc ở nước ngoài nhưng anh luôn tận dụng mọi cơ hội để có thể cống hiến cho đất nước, trả nghĩa cho quê hương.

Hơn 20 năm qua, hằng năm anh đều sắp xếp về nước biểu diễn một, hai lần để các đồng nghiệp trong nước có thêm cơ hội cọ xát, giao lưu, học hỏi.

Cũng nhờ thường xuyên về nước biểu diễn trong một thời gian dài, anh nhận rõ sự phát triển nhanh chóng của đất nước nói chung và của âm nhạc cổ điển nói riêng.

Bây giờ nhạc cổ điển ở Việt Nam rất phát triển, Internet, sách vở, thầy cô đều tốt để các em học tập dễ dàng, rất khác trước đây.

Anh còn nhớ 20 năm trước về nước biểu diễn với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, các đồng nghiệp rất thân thiện, dễ thương nhưng chưa có trình độ tốt nên anh mất rất nhiều thời gian tập luyện cùng dàn nhạc mới biểu diễn được.

Tháng 5 tới anh sẽ diễn cùng các đồng nghiệp ở đây, cũng bản concerto anh đã chơi cùng dàn nhạc này 20 năm trước nhưng nay anh chỉ cần tập vài ba ngày với đồng nghiệp là có thể biểu diễn tốt.

Thấy sự tiến bộ rõ rệt của đồng nghiệp, của lứa các bạn trẻ, anh rất mừng cho âm nhạc nước nhà, mừng lắm.

Trong vài năm tới, Nguyễn Hữu Nguyên muốn về Việt Nam nhiều hơn để giảng dạy và truyền kinh nghiệm làm việc trong các dàn nhạc lớn mà anh có mấy chục năm kinh nghiệm cho các bạn trẻ.

Đó là cách để anh trả ơn cuộc đời, trả ơn những tấm lòng đã vun trồng lên những hoa trái ngọt lành của đời anh.

Đêm nhạc Nguyễn Hữu Nguyên (14-4)Đêm nhạc Nguyễn Hữu Nguyên (14-4)

TTO - Chương trình biểu diễn đặc biệt của nghệ sĩ violon Nguyễn Hữu Nguyên với các giảng viên khoa Dây và Kèn của Nhạc Viện TP.HCM sẽ diễn ra vào lúc 20g ngày 14-4 tại phòng hòa nhạc 112 Nguyễn Du, Q.1.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên