27/12/2007 18:00 GMT+7

Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc: Viết văn, tôi được là chính mình

MỄ THÀNH THUẬN thực hiện
MỄ THÀNH THUẬN thực hiện

AT - “Có khá nhiều người thấy thấp thoáng đời họ trong những mẩu chuyện lượm lặt và cả tưởng tượng của tôi. Mọi việc làm của tôi khó bình an nếu họ không tìm ra họ trong những nhân vật hướng thiện mà chỉ thấy ngược lại.

QhPBtIvL.jpgPhóng to
Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc

AT - “Có khá nhiều người thấy thấp thoáng đời họ trong những mẩu chuyện lượm lặt và cả tưởng tượng của tôi. Mọi việc làm của tôi khó bình an nếu họ không tìm ra họ trong những nhân vật hướng thiện mà chỉ thấy ngược lại.

Tôi không thể kêu oan với tất cả chúng sinh, chỉ biết cắm đầu mà viết và làm; cố gắng để không làm thương tổn đến những người thiện tâm”.

Nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn, diễn viên Nguyễn Thị Minh Ngọc nói về mình như vậy. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện thân mật với chị nhân dịp chị vừa về nước để giới thiệu cuốn Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ.

* PV: Thật khó để gặp được chị trong thời gian này. Hiện chị đang sống chính thức ở Việt Nam hay Hoa Kỳ?

- Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc: Hiện tôi đang sống chính thức ở Hoa Kỳ cùng chồng dù chưa nhập quốc tịch Mỹ. Kết hôn ngày 7-1-2005, nhưng phải đến ngày 9-12-2005 thì mọi thủ tục của chồng tôi bảo lãnh mới hoàn tất. Đây là chuyến về lại Việt Nam lần thứ tư của tôi, mỗi lần nhiều lắm chỉ được ba tuần.

Mục đích chính luôn là để thăm mẹ tôi vốn không được khỏe mạnh nữa, tôi còn tranh thủ thực hiện những khóa tập huấn hay nhận lời nói chuyện và tổ chức biểu diễn ở một số trường. Riêng chuyến về thăm nhà kỳ này còn là dịp giới thiệu cuốn tiểu thuyết đầu tay: Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ.

* Thời thơ ấu của chị sống qua chế độ cũ của miền Nam, điều đó đã ảnh hưởng như thế nào đến con người văn chương của chị sau này?

- Hồi tôi còn nhỏ, vì thời cuộc nên gia đình tôi di chuyển chỗ ở liên tục, từ Bà Rịa, Long Xuyên, Phan Thiết... cho đến Pleiku, Huế... Tôi sinh ở Bà Rịa, còn các anh chị em tôi hầu như mỗi người sinh một quê khác nhau. Có điều thế này, gia đình tôi tuy chạy loạn khắp nơi, bán thốc bán tháo lần lượt tất cả các thứ tài sản như bàn ghế, tủ giường... nhưng có một thứ không bao giờ bán, đó là kho sách của cả nhà.

Anh chị em chúng tôi hầu như lớn lên cùng sách, ăn ngủ cùng sách từ bé. Cho tới sau giải phóng, kho sách của gia đình chúng tôi (trong đó có cả tự điển) bị dân quân địa phương tịch thu toàn bộ khi đi lùng xét nhạc vàng.

Sau đó thì nhiều lần đi mua hàng ở những tiệm bách hóa, tôi có dịp nhìn lại những trang sách của gia đình mình vì nó được đem đi... gói hàng hóa. Nếu trước đó nghe lời má tôi vác đi cân ký hết thì đã không gặp những tai ương hệ lụy đi kèm, dù sau này những cuốn sách ấy được in lại gần hết.

Nhưng có lẽ nhờ đó mà tôi có được một vốn sống phong phú, trở nên một con người “không giống ai” nhờ vốn kiến thức quí báu từ sách lẫn cuộc sống... Khi đỗ thủ khoa vào Trường trung học Phan Bội Châu ở Phan Thiết thì có nhiều người phao tin là tôi kiêu ngạo, không thèm nhìn mặt ai.

Tôi không quan tâm những lời đồn, cứ an nhiên mà sống. Tôi học giỏi đều các môn, đặc biệt môn toán, còn năng khiếu văn thì đã bộc lộ từ khi tôi học tiểu học ở Trường nữ tiểu học Phan Thiết. Khi ấy cô giáo Hồng Hà của tôi đã khuyến khích chúng tôi viết nhật ký và cũng chính cô gởi chúng đến trang tuổi ngọc của một tờ báo.

* Những nhân vật trong truyện ngắn chị viết có lấy nguyên mẫu từ đời thật như trong cuốn tiểu thuyết Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ không, thưa chị?

- Có chứ. Tôi vẫn quan sát rồi nhặt nhạnh những chi tiết của đời thật ở đâu đó, đôi khi là trong một bài thơ, một mảnh đời nào đó... Có người nói tôi viết cứ như tranh cắt dán.

Tuy nhiên, tôi cố gắng có những thêm bớt sao để những người tốt không bị thương tổn và mình cũng không bị kiện tụng vì viết bôi bác về đời tư của ai đó. Tuy vậy, cũng đã có khá nhiều trường hợp bị người đời hiểu lầm, tự nhận những sáng tạo của tôi là viết về cuộc đời của chính họ nên gây khá nhiều rắc rối cho tôi.

Ví dụ như có một ông đã đến tòa soạn xin “tí huyết” của tác giả, có bà cho đàn em “đánh hội đồng” các kiểu... Nói thật là tôi cũng ngại viết tiểu thuyết, vì trong tiểu thuyết cái tôi lẫn cái hiện thực muôn màu quanh mình hiện rõ quá, cho dù mình có biến nó thành hiện thực huyền ảo hay tìm cách ảo hóa nó đi.

* Chị thật sự khởi nghiệp viết văn từ khi nào, và tác phẩm đầu tay chị ưng ý nhất?

- Tôi không nhớ chính xác là năm nào. Nói chung là trước 1975, tôi có truyện đăng ở các tờ báo của người lớn khi còn là nữ sinh Trường trung học Phan Bội Châu ở Phan Thiết rồi sang học dự bị y khoa ở Huế. Một số truyện ngắn ấy được bạn bè, thầy cô khen như Trái khổ qua, Trăng huyết, Quốc lộ, Dọn nhà...

Đặc biệt truyện Trăng huyết đăng trên Thời Tập là truyện ngắn mà nhiều bạn văn và độc giả vẫn nhắc khi gặp lại. Nhiều người không hiểu tại sao khi ấy mới mười mấy tuổi đầu mà tôi lại có thể khởi viết được truyện ngắn nhiều ám ảnh đến như vậy.

Có lẽ là do từ hồi nhỏ, sớm gặp nhiều ngộ nhận từ đám đông trong đó có khá nhiều người lớn nên tôi thường lang thang đi chơi với thiên nhiên và dạo quanh những nghĩa trang trên vùng đồi ven biển. Thiên nhiên và cái chết dạy tôi cần thoải mái tự do khi sáng tác, không tự trói mình bởi nội dung, chủ đề tư tưởng lẫn sự định hướng như sau này.

* Còn nghiệp làm diễn viên và đạo diễn sau đó có hỗ trợ gì cho nghiệp viết của mình? Và nếu buộc phải lựa chọn, chị sẽ chọn nghiệp nào chính?

- Nghiệp diễn và đạo diễn giúp tôi thấu hiểu tâm lý của nhân vật, từ đó hiểu hơn tâm lý phức tạp của người đời. Nhờ đó tôi cũng hiểu người diễn viên cần sự trợ giúp như thế nào của tác giả nên khi viết kịch bản tôi không để cho các vai diễn bị đứng trơ trên sân khấu, cho dù nhân vật khác có thoại cả tràng dài. Có người nhận xét Nguyễn Thị Minh Ngọc là một người viết xuất sắc, một đạo diễn trung bình và là một diễn viên tồi.

Đó là những nhận xét vội vàng của những người tưởng là bạn của tôi nên có nói oan như vậy thì cũng... thường thôi! Cũng có nhiều giai đoạn, do những tác động của tập thể quanh mình, tôi dựng và diễn cũng chẳng tệ lắm nếu không muốn nói là ngược lại. Mà viết thì đâu phải cái gì viết cũng là trên trung bình khá và được đăng cả đâu?!

Đúng hơn là sự thành bại của ba cái nghiệp này gần như xen kẽ nhau như triều sóng; khi cái này trên đỉnh thì cái khác sẽ trên triền dốc hay nằm dưới đáy của dòng đời uốn lượn hình sin chẳng hạn. Nếu cho chọn lựa, tôi vẫn yêu công việc viết văn. Có lẽ ở đó tôi được là chính tôi nhất. Còn biên kịch, diễn tôi phải phụ thuộc vào nhiều thứ, nhiều người, cái tôi vì thế bị chìm khuất. Và ít ai biết, nhiều khi tôi rất sợ đám đông!

* Chị thích loại vai diễn nào khi lên sân khấu, và vai nào để lại trong chị ấn tượng sâu sắc nhất?

- Đôi khi có nhiều vai không có đất diễn nhiều, chỉ lặng lẽ đứng ở một góc khuất nào đó trên sân khấu và không hề được khán giả quan tâm nhưng tôi lại thích, vì khi đó mình có thể mượn nhân vật của mình để được “sống” với chính mình nhiều hơn cả.

Chẳng hạn như vai bà mẹ trong vở Tám người đàn bà. Người đàn ông độc nhất trong nhà bị giết, ai cũng khóc cho ông ta, trừ bà. Bà chỉ để nước mắt rơi mỗi khi hai cô con gái của bà bộc lộ tình yêu với gã đàn ông mà theo bà thì chẳng ra gì! Một nhà báo đã viết một bài về vai đó, ví ba lần khóc của bà là nước tủi hổ, lửa giận dữ, và cả máu đắng cay...

Nhưng giọt nước mắt lúc ấy còn là cho cả mình nên tôi đã để chúng tha hồ rơi dù đạo diễn không yêu cầu. Tôi cũng thích nhân vật nữ diễn viên trong vở Dư luận quần chúng, do bạn diễn bị trục trặc giờ chót không đến được, một mình cô được đóng thêm một vai hài và cả vai một em bé đi khiếu kiện oan sai.

Cũng có lúc tôi ngưng diễn để chất vấn tác giả rằng viết tâm lý giả như thế này tôi không diễn được, rằng các ông đã ám sát sạch các vai hay đã có tự ngàn xưa mà thay vào những vai ngớ ngẩn, chọc cười câu khách nhạt nhẽo thế này nên thôi tôi đành trả vai, thà tôi đi bôi mặt làm hề chọc cho khán giả cười, nhưng ít ra tôi cũng còn hiểu được vì sao người ta cười.

* Trước đây chị cũng là một giảng viên Trường Nghệ thuật sân khấu II (nay là Trường Sân khấu - điện ảnh), trong thời gian đó có những kỷ niệm gì đáng nhớ với chị?

- Thời gian đó tôi có rất nhiều kỷ niệm vui với sinh viên của mình. Các lớp học trò như Hữu Châu, Hồng Đào, Quang Minh, Lương Mỹ, Kiều Vũ Tín, Mai Lan, Thúy Diệp... được tôi làm giáo viên chủ nhiệm theo suốt cả bốn năm.

Từ năm đầu chúng tôi đã làm được nhiều chuyện “động trời” so với các lớp khác trong trường. Mới hè năm thứ hai, tôi đã đưa sinh viên đi diễn liên miên ở nhiều vùng sâu vùng xa như trên Đắc Lắc, Đắc Nông, Đắc Min, Xuyên Mộc, vùng biên giới miền Đông lẫn miền Tây...

Hồi đó sinh viên trước mỗi xuất diễn đều làm mặt bằng những hộp đồ trang sức đẹp, chỉ có mỗi “mụ cô giáo” là tôi dùng ít khi bôi trét, nhưng rồi cũng có khi cầm lòng không đậu, mở những mảnh giấy báo gói những vụn phấn hồng vỡ nát ra để trét lên mặt cho giống đám sinh viên của mình.

Thời đó tôi còn có biệt danh là “Ngọc can”. Vì đi đâu đoàn cũng bị bắt phải nhậu mới tổ chức biểu diễn cho dân coi. Sinh viên mình cần dưỡng sức để biểu diễn hằng đêm, 14 em chia làm hai toán thay ca nhau ngồi với chủ nhà. Đến sáng thì chỉ còn một người ngồi cầm cự vì không phải diễn, là...“mụ cô giáo”. Hồi đó toàn rượu cần trong hũ to hoặc rượu đế trong can hai mươi lít. Tôi không thấy ngon chút nào nhưng cũng hên là không ói ra...

Cách đây vài năm có làm vở tốt nghiệp cho lớp của Hòa Hiệp, Thanh Phương, Tuấn Khải, Huy Bích, Xuân Phương, Xuân Trang, Quỳnh Thy... Mới hôm trước Hòa Hiệp và NSƯT Hữu Quốc còn tặng tôi mấy lẵng hoa nhân Ngày nhà giáo. Lác đác ở xa đọc trên mạng vẫn còn nghe vài học trò cũ nhắc đến mình.

* Chị là người phụ nữ đa tài, vậy chị có là một phụ nữ đảm đang?

- Trước đây thì không, Hữu Châu thường khoe với mọi người là “Cô em chỉ biết nấu nước sôi”. Nhưng bây giờ thì tôi có thể làm được nhiều món ăn ngon và phức tạp. Bởi vì trong thời gian viết kịch bản Linh lan trắng và một số kịch bản phim khác có yêu cầu hiểu biết về các món ăn và tôi đã học rất nhanh.

Bây giờ thì nhiều người khen ngợi tài nấu ăn của tôi. Nói vui thì tôi chưa có dấu hiệu bị chồng bỏ vì sự không đảm đang, lẫn vì các nguyên nhân khác nữa...

* Cuộc đời chị đã trải qua những thăng trầm, vậy hiện tại chị thấy mình đang ở đâu, đã được và mất những gì?

- Nhiều khi ngó lại những thành tích là các giải thưởng, huy chương ở các lĩnh vực sân khấu, điện ảnh... tôi chợt thấy sợ vì thấy mình sao giống... quỉ quá! Và như những bà mẹ Việt Nam khác, tôi cũng thấy yêu hơn những “đứa con” khác vì nguyên do nào đó phải cắt xén sửa chữa hoặc chưa được ra đời!

MỄ THÀNH THUẬN thực hiện

EJBLe6AE.jpgPhóng to

Áo Trắng số 15 (ra ngày 15-12-2007) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

MỄ THÀNH THUẬN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên