05/05/2024 09:09 GMT+7

Người trẻ kể chuyện Điện Biên

HÀ THANH
và 1 tác giả khác

May mắn được gặp nhiều nhân chứng lịch sử, tiếp cận với tư liệu quý về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, họ tự hào về thế hệ cha ông và muốn kể cho nhiều người biết rõ hơn về chiến thắng lừng lẫy 70 năm trước.

Các hướng dẫn viên trong trang phục đồng bào Thái thuyết minh với du khách tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - Ảnh: NAM TRẦN

Các hướng dẫn viên trong trang phục đồng bào Thái thuyết minh với du khách tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - Ảnh: NAM TRẦN

Những ngày này, khi dòng người tìm về Điện Biên càng đông thì một trong những địa điểm không thể bỏ qua là Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nơi có bức tranh panorama tái hiện toàn cảnh chiến dịch Điện Biên Phủ năm nào.

Nắm chắc kiến thức, vừa học thuyết minh, tôi vừa phải luyện cách nói mỗi ngày để làm sao đi vào lòng người. Công việc đợt này có vất vả hơn nhưng rất vui khi cả nước cùng hướng về Điện Biên trong dịp kỷ niệm đặc biệt này.
Hướng dẫn viên CAO THỊ NỮ

Ký ức rất đẹp và hào hùng

Vừa hoàn thành nhiệm vụ dẫn đoàn khách tham quan bảo tàng, hướng dẫn viên Phan Thị Hoa Ngọc (30 tuổi) tranh thủ nhấp ngụm nước lấy sức. Nụ cười luôn thường trực, nữ hướng dẫn viên chia sẻ dù mệt vì những ngày này cường độ làm việc cao hơn nhiều nhưng ai nấy đều vui. Chỉ riêng Ngọc mỗi ngày đã thuyết minh, hướng dẫn cho 7 - 8 đoàn khách đến thăm bảo tàng.

Cơ duyên đã đưa cô gái Nghệ An ấy ngược ra Điện Biên rồi gắn bó với công việc hướng dẫn viên tại bảo tàng từ năm 2017 đến nay. Hơn 7 năm làm ở đây, Ngọc kể đã được gặp gỡ, trò chuyện với rất nhiều cựu chiến binh là những nhân chứng lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ mà trước đó bạn chỉ nghe qua sách vở, đài báo.

Để làm tốt công việc, Ngọc thường xuyên tìm hiểu các tư liệu lịch sử về chiến dịch, gặp gỡ cựu chiến binh nghe các bác kể chuyện và học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp đi trước. "Càng làm mình càng thấy yêu và gắn bó với mảnh đất này" - cô gái xứ Nghệ bộc bạch.

Là con em thế hệ công nhân đầu tiên lên khai hoang, gia đình nữ hướng dẫn viên Hoàng Thị Châm đã có năm thế hệ gắn bó với mảnh đất Điện Biên này. Chị nhớ ngày còn bé được nghe các cụ ông, cụ bà kể về những ngày đầu lên khai hoang khi còn hoang vu, không có đường sá đi lại. Ký ức tuổi thơ của chị cứ thế lớn lên cùng những câu chuyện của ông cha về vùng đất lửa anh hùng mà chị bảo đó là những ký ức rất đẹp và hào hùng.

Dù đã nhiều năm song mỗi lần thuyết minh cho du khách về văn hóa, lịch sử của Điện Biên, đặc biệt về 56 ngày đêm làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, chị Châm vẫn bồi hồi không giấu được xúc động.

Tốt nghiệp sư phạm, chị về công tác ở bảo tàng tỉnh. Năm 2014, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đi vào hoạt động, chị được tăng cường sang làm nhiệm vụ hướng dẫn viên.

Vì là bảo tàng chuyên đề về chiến thắng Điện Biên Phủ nên ngoài kiến thức tổng hợp về văn hóa, lịch sử của tỉnh, hướng dẫn viên cần nắm chắc kiến thức chuyên sâu về chiến dịch Điện Biên Phủ.

"Có vậy mới đáp ứng được nhu cầu du khách, đặc biệt với các du khách là cựu chiến binh có vốn kiến thức sâu rộng về lịch sử, văn hóa và biết rõ về chiến dịch Điện Biên Phủ" - chị Châm nói.

Tập luyện nói mỗi ngày

10 năm trước, Cao Thị Nữ đã thuyết minh cho nhiều du khách dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và vẫn tiếp tục công việc ấy dịp 70 năm này. Đã quá quen với các hiện vật, tư liệu lịch sử tại bảo tàng này song mỗi ngày chị nói mình vẫn phải học với tất cả sự mới mẻ.

Vốn là giáo viên vùng cao, từng công tác ở địa bàn vùng núi xa xôi nhưng do điều kiện gia đình nên chị Nữ xin chuyển về làm việc ở "lòng chảo" Điện Biên.

Chị nói nghề giáo cũng vốn là nghề nói nên có cơ duyên với bảo tàng, chị quyết định chuyển ngành rồi gắn bó với công việc này suốt 10 năm qua.

Từ ngành giáo dục chuyển sang công tác ở lĩnh vực mới, để đáp ứng yêu cầu công việc, chị Nữ cho biết bản thân đã phải tự học rất nhiều. Đặc biệt tìm hiểu sâu vì kiến thức lịch sử rất rộng, nhất là chiến dịch Điện Biên Phủ có rất nhiều tư liệu quý giá.

Chị thường tìm đến gặp các chiến sĩ Điện Biên năm xưa, nhờ các bác kể cho nghe về những năm tháng hào hùng nơi chiến trường đầy gian khổ, ác liệt ấy.

Với hướng dẫn viên Hoàng Thị Châm, mỗi lần được trò chuyện cùng nhân chứng lịch sử chị lại xúc động và cảm nhận sự gần gũi như ngày bé mỗi lần được nghe ông bà kể chuyện. Chị còn cố gắng làm các video ghi lại tư liệu quý giá qua câu chuyện của các nhân chứng lịch sử.

Cùng với công việc chính hướng dẫn khách tham quan, chị Châm còn cùng hướng dẫn viên của bảo tàng tham gia các chương trình tuyên truyền ở trường học. Đồng thời kết hợp với một số tỉnh, thành thực hiện tour online giới thiệu về lịch sử và nhận được phản hồi khá tích cực của giáo viên, học sinh.

Bảo tàng mở cửa cả buổi tối

Bà Hoàng Thị Thoa - phó giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - cho biết thời điểm này đội ngũ hướng dẫn viên của bảo tàng vất vả để phục vụ du khách trong đợt cao điểm. Nhưng ai cũng làm hết sức trách nhiệm, nỗ lực hết sức mình góp phần thành công chung cho dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Trong dịp cao điểm, mỗi ngày trung bình bảo tàng đón từ 2.000 - 3.000 lượt khách, cuối tuần có khi đến 5.000 - 6.000 lượt, chủ yếu là các cựu chiến binh đến tham quan, về nguồn.

Bình thường, bảo tàng mở cửa từ 7h - 11h30 và chiều từ 13h30 - 18h. Tuy nhiên do lượng khách bùng nổ vào dịp lễ, bảo tàng đã mở cửa đón khách tham quan vào cả các buổi tối thứ sáu, thứ bảy hằng tuần và cao điểm dịp 70 năm với mong muốn đáp ứng tốt nhất nhu cầu khách tham quan.

Con cháu kể chuyện Cha ông tôi là chiến sĩ Điện BiênCon cháu kể chuyện Cha ông tôi là chiến sĩ Điện Biên

Thứ ba và thứ bảy hằng tuần trong chương trình Cà phê sáng trên VTV3, con cháu của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa cùng ngồi lại kể chuyện Cha ông tôi là chiến sĩ Điện Biên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên