16/10/2004 14:12 GMT+7

Giấc mộng của Minh Ngọc

HÒA BÌNH
HÒA BÌNH

TTCN - 11 năm đã trôi qua từ khi vở Giấc mộng kê vàng nổi đình đám tại Liên hoan sân khấu nhỏ lần 2 (1993), và sân khấu cả nước đã trải qua biết bao thăng trầm trong những năm ấy, song vẫn thấy Nguyễn Thị Minh Ngọc lặng lẽ xốc tới, hết chuyện trong nước tới chuyện ngoài nước.

wuMoC2Ng.jpgPhóng to
TTCN - 11 năm đã trôi qua từ khi vở Giấc mộng kê vàng nổi đình đám tại Liên hoan sân khấu nhỏ lần 2 (1993), và sân khấu cả nước đã trải qua biết bao thăng trầm trong những năm ấy, song vẫn thấy Nguyễn Thị Minh Ngọc lặng lẽ xốc tới, hết chuyện trong nước tới chuyện ngoài nước.

Mới đây, sau khi vởSông của nhiều bờ của chị vừa diễn ở Mỹ, chị lại đang chuẩn bị cho sự ra đời của tập sách Thư gửi người diễn viên trẻ, một hình thức ôn lại lịch sử sân khấu VN, đặt ra những vấn đề của sân khấu đương đại...

Trong hành trang nghệ thuật đáng tự hào của mình, nghệ sĩ Thành Lộc hẳn phải dành một chỗ danh dự cho Giấc mộng kê vàng. Kịch bản được Nguyễn Thị Minh Ngọc phóng tác từ điển tích Giấc Nam Kha của Trung Quốc, kết hợp kịch Noh của Nhật, do chính chị làm đạo diễn.

Vào thời chữ “thể nghiệm” mới xuất hiện ấy, báo chí đã xếp loại 1 cho tính sáng tạo, tìm tòi của Giấc mộng kê vàng, tôn vinh Thành Lộc là phù thủy sân khấu, là trung tâm của vở diễn; song người định hình, dựng khung cho sự thành công ấy phải là tác giả kịch bản cũng là đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc.

“Thắp lửa” cho sân khấu

7rB4BqHZ.jpgPhóng to
Các diễn viên trẻ trong vở Hồn Xuân Thu
Năm 2000, khi sân khấu TP.HCM hiếm hoi kịch nghệ thuật, Nguyễn Thị Minh Ngọc lại khuấy động dư luận với vở Người hảo tâm thành Tứ Xuyên của kịch tác gia người Đức Bertholt Brecht. Ở cương vị đạo diễn, chị bày một cuộc chơi “kịch gián cách” thật hấp dẫn, xôm tụ, đủ sức lôi cuốn Thành Lộc, Thanh Thủy, Hữu Châu, Quốc Thảo, Hoàng Trinh... vào làm nghề một cách say mê đã đời. Mỗi diễn viên đã thật vất vả với nhiều nhân vật trong kịch - ngoài kịch, những đối thoại là mình - không là mình ở một vở thể nghiệm, nhưng họ được đền bù xứng đáng bằng những giá trị nghệ thuật.

Năm 2003, chị dựng Hồn Xuân Thu, làm cuộc trình diện sáng trưng cho một lớp diễn viên mới ra trường, trao cho người trẻ cơ hội thể hiện năng lực của mình. Những chuyện thời cuộc lớn lao của sân khấu được lay động qua bi kịch Khuất Nguyên của Hồn Xuân Thu.

Năm 2004, Nguyễn Thị Minh Ngọc có kịch bản Hãy khóc đi em phóng tác từ truyện Trăng soi đáy giếng của Trần Thùy Mai. Vở diễn lại một lần nữa tạo độ rung thật mạnh, thậm chí diễn viên Việt Anh khi xem đã bật khóc vì nhớ tiếc một thời huy hoàng ở sân khấu 5B Võ Văn Tần.

Bươn chải trong sự biến động của sân khấu phía Nam, Nguyễn Thị Minh Ngọc có riêng cho mình Đêm huyền thoại, Người đàn bà thất lạc, Sông của nhiều bờ..., những nỗ lực tìm kiếm cái mới không ngừng. Kiều Nguyệt Nga, Trưng Trắc, Hồ Xuân Hương, Hồ Nguyệt Cô, thiếu phụ Nam Xương từ trong tranh bước ra.

Họ nói với anh họa sĩ vẽ chính họ: “Người phụ nữ cần những gì, mong những gì từ câu chuyện của chính đời mình để trả lời câu hỏi vì sao vợ anh bỏ đi”. Thoại kịch, hát bội, cải lương, nhạc mới, nhạc cổ hòa lẫn trong vở diễn. Nét độc đáo đó khiến Người đàn bà thất lạc có được nhận xét: “Festival này sẽ không hoàn hảo nếu thiếu sự hiện diện của các nghệ sĩ VN...” tại Hội nghị Phụ nữ hoạt động nghệ thuật châu Á - Thái Bình Dương ở Philippines...

Giữa những chuyến đi về

dR7P9S40.jpgPhóng to
Apphich vở Sông của nhiều bờ diễn tại Nhà hát UIC của Đại học Illinois ở Chicago tháng 6-2004
Nguyễn Thị Minh Ngọc đã đi đến hàng chục nước: Pháp, Mỹ, Đức, Úc, Thụy Điển, Na Uy, Jordan, Bangladesh, Philippines, Nigeria... Mỗi chuyến đi chị lại mang về cho sân khấu một điều gì đó. Đến Đức, chị xin được tài trợ để làm Người hảo tâm thành Tứ Xuyên. Đến Thụy Điển, chị nhận được kinh phí xây dựng “sân khấu diễn đàn” nhằm giúp người trẻ thông qua hình thức sân khấu có được kỹ năng bày tỏ quan điểm riêng để đưa ra cách giải quyết tích cực những vấn đề của cuộc sống. Chương trình được thực hiện khắp cả nước, đang làm ở TP.HCM, có tham vọng sẽ nhân rộng trong sinh viên học sinh.

Trong những ngày 11, 12, 13-6-2004, tại Chicago (Mỹ), chị và Quốc Thảo diễn Sông của nhiều bờ do chính chị viết và dàn dựng. Vở diễn gồm ba chương, chuyên chở lịch sử - văn hóa VN: khi cuộc sống thanh bình, nếu thiên tai xảy ra rồi thì con người sẽ được bồi đắp lại như phù sa mang đến màu mỡ sau những cơn lũ lụt; nhưng bao số phận con người trong chiến tranh thảm khốc không gì bù đắp được... Sân khấu được xếp đặt 400 chiếc nón lá, kết hợp với nhiều hình ảnh về VN được chiếu trên màn ảnh, và trong nền âm nhạc các giai điệu của Trịnh Công Sơn, diễn viên rất kiệm lời thoại.

Theo tác giả: “Mỗi loại vở diễn có một chức năng riêng. Sông của nhiều bờ nhằm giới thiệu VN ra thế giới là chính. Đây là một sự kết hợp sân khấu với kỹ thuật hiện đại, cần đến thiết bị, máy móc rất đắt tiền, hiện trong nước chưa có. Tôi đang xin tài trợ để có kinh phí chuyển máy móc về VN diễn ra mắt. Người đàn bà thất lạc cũng đã đến với công chúng Mỹ qua màn ảnh truyền hình, dự kiến năm 2005 vở sẽ được mời sang tham dự Liên hoan sân khấu thế giới ở New York. Tôi đang chuẩn bị dự án dàn dựng vở opera Tiếng hát của dòng sông cộng tác với Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và Nhà hát Giao hưởng - vũ kịch TP.HCM, do Trung tâm Art Synergy (Mỹ) tài trợ. Đồng tác giả với tôi là Thomas Nowrocki; âm nhạc: Nguyễn Văn Nam - Kimo Williams; bối cảnh vở diễn là Quảng Trị, Hà Nội, TP.HCM; và vở sẽ được trình diễn tại TP.HCM, Chicago”.

Nguyễn Thị Minh Ngọc đi nước ngoài nhiều và có khi trong nhiều tháng nhưng dường như chị không hề tách rời đời sống sân khấu trong nước. Ở IDECAF hiện chị có hai kịch bản đang công diễn là Hãy yêu nhau điHãy khóc đi em đều được báo chí đánh giá cao. Sắp tới kịch bản Trái tim nhảy múa của chị được đạo diễn Vũ Minh dàn dựng.

Kịch bản Giữa hai bờ sương khóicủa Nguyễn Thị Minh Ngọc đã được thầy và trò Trường cao đẳng Sân khấu - điện ảnh TP.HCM dựng tham dự Liên hoan sân khấu kịch toàn quốc ở Hải Phòng. Kịch bản này phóng tác từ câu chuyện thật trên báo Tuổi Trẻ về nhà báo nữ Hàn Quốc Ku Su Jeong đưa ra ánh sáng vụ lính Hàn thảm sát thường dân VN trong cuộc chiến tranh vừa qua. Từ thực tế những chuyến đi, chị lại có kịch bản Người vợ còn trinh - đề cập chuyện kết hôn giả để sang Mỹ...

Nguyễn Thị Minh Ngọc tâm sự: “Người ta đồn đi nước ngoài như tôi kiếm được nhiều tiền lắm trong khi tôi thường nhận những dự án kinh phí thấp, chỉ vài ngàn đô. Tiền ít, tôi không chỉ làm khổ anh em tham gia với mình mà có khi phần mình chẳng còn được đồng nào. Nhưng ít tiền vẫn phải đi để học hỏi, để tìm cơ hội cho mình, cho sân khấu nước mình qua những dự án hợp tác. Tôi đang liên hệ để có thể đưa người của ta sang học những kỹ thuật được ứng dụng trong Sông của nhiều bờ. Thật ra, ngay bên Mỹ không phải kịch bản nào hay cũng sẽ được dựng trên sân khấu. Thay vào đó, người ta tổ chức những buổi đọc kịch, có dàn dựng hẳn hoi, ở đó mỗi tác giả dù thuộc bất cứ quốc gia, thành phần nào cũng bình đẳng như nhau, miễn tác phẩm được viết bằng tiếng Anh. Nhiều kịch bản hay sẽ được thưởng thức và tìm thấy cơ hội ở đây. Tôi thấy những kịch bản được đọc không có gì vượt quá tầm của chúng ta; và đây là con đường hội nhập sân khấu thế giới rất tốt...

Tôi nghĩ mình có được hôm nay là do sự giúp đỡ của nhiều người trong và ngoài sân khấu. Tôi sẽ trả cái ơn ấy bằng công việc và bằng cách giúp người sau, những ai có cái tâm thật sự vì sân khấu. Nhưng bắt đầu vì tiền thì chẳng làm được gì, cũng chẳng đi tới đâu được. Qua Mỹ, tôi từng chứng kiến cảnh một số nghệ sĩ mình kiếm tiền rất cay nhục...”.

Giữa những chuyến đi về là dự án thực hiện tập sách Thư gửi người diễn viên trẻ do Trung tâm William Joiner tài trợ 5.000 USD, song Minh Ngọc đoan chắc: “Không có tài trợ tôi vẫn cứ làm!”.

Làm nghề nhiều năm, chuyện nghề có biết bao điều muốn giải bày. Dạy ở nhiều trường nghệ thuật, chị lại không khỏi bức xúc trước hiện trạng khá nhiều sinh viên trình độ yếu kém trong khi giáo trình về sân khấu quá lạc hậu: “Tất cả những điều trăn trở, bức xúc này không nói với người trẻ thì biết nói với ai? Tôi viết tất cả những gì mình thấy, mình biết, kể cả kinh nghiệm viết dự án, xin tài trợ nước ngoài. Viết chuyện tôi đi học ở nước ngoài được cái gì, về làm được cái gì, chưa làm được gì, vì sao. Tôi hi vọng nói với các thế hệ sau rằng VN đã từng có một sân khấu như thế, và người viết cuốn sách này đã không nói dối...”.

HÒA BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên