14/05/2024 19:50 GMT+7

Chuyên gia Pháp đề xuất làm 'đảo vườn' nổi trên sông Sài Gòn

Các chuyên gia Pháp đề xuất làm một số loại 'bậc thang kiểu Nhật' dưới dạng 'đảo vườn' nổi hoặc cố định ở đoạn sông Sài Gòn chảy qua trung tâm TP.HCM.

Đoạn sông Sài Gòn chảy qua bến Bạch Đằng, quận 1 và TP Thủ Đức được nhóm nghiên cứu đề xuất làm “đảo vườn” nổi hoặc cố định - Ảnh: LÊ PHAN

Đoạn sông Sài Gòn chảy qua bến Bạch Đằng, quận 1 và TP Thủ Đức được nhóm nghiên cứu đề xuất làm “đảo vườn” nổi hoặc cố định - Ảnh: LÊ PHAN

Ý tưởng này được nêu trong báo cáo quy hoạch phát triển toàn diện hành lang sông Sài Gòn - TP.HCM do Viện Quy hoạch vùng Paris (Pháp) cùng Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) đồng tác giả.

Theo nhóm nghiên cứu, đây là ý tưởng "một sự chuyển đổi “đôi bên cùng có lợi” thực sự".

Nhóm nghiên cứu chia hành lang dọc sông Sài Gòn từ khu vực phía bắc (huyện Củ Chi - Bến Cát) dọc xuống khu vực phía nam, nơi dòng sông đổ ra biển ở Cần Giờ thành bốn phân khu.

Cùng với đó, đề xuất ý tưởng riêng nhằm tạo nên "dòng chảy cơ hội", động lực phát triển mới cho sông Sài Gòn.

Trong đó phân khu trung tâm chảy dọc từ cầu Ba Son đến hầm Thủ Thiêm được nhóm nghiên cứu nhận định là khu vực lý tưởng để phát triển “sân khấu sông đô thị” sôi động với các không gian cộng chất lượng cao dọc và ngang hai bờ sông.

Nhóm nghiên cứu ví khúc sông này giống với vùng hợp lưu của sông Hudson và sông Đông ở TP New York (Mỹ), Docklands ở London (Anh) hay vịnh Marina ở Singapore. Đây là nơi để thể hiện hình ảnh đẹp nhất của đô thị với phần còn lại của đất nước và thế giới, đồng thời trưng bày những công trình tuyệt vời nhất của đô thị.

Do vị trí trung tâm và khả năng tiếp cận tốt, nhóm nghiên cứu cho rằng phân khu này nghiễm nhiên trở thành điểm tập trung của cả du khách và người dân địa phương. Nơi đây còn phù hợp để tập hợp các hoạt động văn hóa, sáng tạo, lễ hội phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện cho đổi mới xã hội, giao dịch kinh doanh và cuối cùng là hạnh phúc.

Theo nhóm nghiên cứu, bến Bạch Đằng, Khánh Hội và ven sông Thủ Thiêm sẽ nổi lên như những địa điểm hàng đầu cho khu vực đô thị này. Sự nổi bật của chúng sẽ được nâng cao hơn nữa nếu hai bờ sông được kết nối liền mạch thông qua nhiều điểm giao nhau.

Do đó, nhóm đề xuất phát triển ở đây một số loại “bậc thang kiểu Nhật” dưới dạng “đảo vườn” nổi hoặc cố định được liên kết với nhau và nối với bờ bằng cầu dành cho người đi bộ.

"Quá trình tái tạo đô thị tích hợp này sẽ không chỉ mang lại các hoạt động mới mà còn cung cấp không gian mới cho cây xanh và người đi bộ, cùng với tuyến xe điện chạy dọc bờ sông. Điều này không chỉ làm khu vực lõi của đô thị trở nên hấp dẫn và đáng sống hơn mà còn giúp ứng phó với các đợt nắng nóng và thủy triều cao trong tương lai", nhóm nghiên cứu phân tích.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, ở hạ nguồn, Khu công nghiệp Tân Thuận và cảng sẽ tiếp tục đóng vai trò là trung tâm sản xuất và hậu cần lớn ở TP.HCM.

Tuy nhiên, những chuyển đổi đáng kể cũng sẽ được thực hiện để phù hợp với các hoạt động mới của nền kinh tế mở, tuần hoàn, nền kinh tế xanh, công nghệ xanh, logistics đô thị dựa vào sông...

Để thúc đẩy những thay đổi đó, các vườn ươm khởi nghiệp và một cơ sở triển lãm đặc biệt về những thành quả đổi mới và kết nối giao thương sẽ được xây dựng.

Đối với điểm hợp lưu tại Mũi Đèn Đỏ, do vị trí đặc biệt và khả năng dễ bị lũ lụt, dự kiến sẽ được cải thiện môi trường tự nhiên và tạo cảnh quan cho một phần khu vực để chào đón du khách, tạo ra một tầm nhìn tuyệt vời ra sông và thành phố với hình bóng những tòa nhà chọc trời.

Đề xuất nhiều mô hình mới trên sông Sài Gòn

Ở ba phân khu còn lại, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất các hướng quy hoạch mới. Theo đó, phân khu bắc chủ yếu là nông thôn này kéo dài từ trung tâm lịch sử Thủ Dầu Một đến Khu tưởng niệm địa đạo Củ Chi, bao gồm cả huyện Củ Chi và Bến Cát.

Nhóm nghiên cứu dự định phát triển một hình thức công viên tự nhiên mới để bảo tồn và nâng cao nền nông nghiệp, cảnh quan và di sản của khu vực ngoại ô.

Chúng tôi đề xuất tận dụng tối đa tài sản văn hóa và nông nghiệp bằng cách xây dựng một kế hoạch bảo tồn và nâng cấp cụ thể dựa trên kinh nghiệm thành công của công viên tự nhiên vùng (hoặc P.N.R.) tại Pháp.

Ở phân khu 2, nhóm nghiên cứu dự kiến sẽ tạo ra không gian mới giao thoa giữa thành thị và nông thôn, bằng cách xác định ranh giới rõ ràng hơn giữa hai khu vực này.

Mục tiêu là nhằm bảo vệ không gian mở, đồng thời duy trì sự đan xen của đất trồng, sự hiện diện của các khu canh tác trong kết cấu đô thị và vai trò quan trọng của kênh rạch là những đường “xanh dương và xanh lá cây” kết nối không gian mở và xác định giới hạn đô thị.

Nhóm đề xuất chuyển đổi các khu đất trồng trọt rộng lớn còn lại thành các “công viên nông nghiệp” năng suất, giải trí và sinh thái, tự hào với các sản phẩm chất lượng từ-nông-trại-đến-bàn-ăn và sản phẩm thủ công được du khách ưa thích.

Tại phân khu 3 (khu vực Thanh Đa - Thảo Điền), nhóm đề xuất phát triển khu đô thị hỗn hợp mật độ cao TOD và công viên nông nghiệp - giải trí ngập nước rộng 300ha. Hai khu này liên kết với nhau bằng tuyến cáp treo công suất cao.

Bắt đầu tại ga metro Phước Long, cáp treo sẽ có các điểm dừng ở trung tâm bán đảo Thanh Đa, nơi tập trung các dịch vụ, cửa hàng, trung tâm... tích hợp thành một làng nghề truyền thống.

Cuối cùng, tuyến cáp treo kéo dài đến ga Bình Triệu sau khi nâng cấp tuyến đường sắt để phục vụ các đoàn tàu đi ngoại thành.

Tiềm năng lớn của nàng tiên sông Sài Gòn, chậm nữa sẽ mất cơ hộiTiềm năng lớn của nàng tiên sông Sài Gòn, chậm nữa sẽ mất cơ hội

Giấc mơ bức tranh sông Sài Gòn được giới quy hoạch ấp ủ qua nhiều năm, nhiều thời kỳ trong suốt quá trình phát triển TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên