07/05/2024 20:21 GMT+7

28 mỏ cát ở miền Tây đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để thi công đường vành đai 3 TP.HCM

28 mỏ cát ở ba tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang và Bến Tre đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật để sử dụng cho vành đai 3 TP.HCM.

Gói thầu Xl2 thuộc dự án thành phần 1 đường vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn TP - Ảnh: CHÂU TUẤN

Gói thầu Xl2 thuộc dự án thành phần 1 đường vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn TP - Ảnh: CHÂU TUẤN

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng (tổ trưởng Tổ công tác điều phối vật liệu đường vành đai 3 TP.HCM) vừa báo cáo UBND TP.HCM về tình hình mỏ vật liệu cát đắp nền cho dự án.

Theo đó, tổng nhu cầu cát đắp nền cho vành đai 3 TP.HCM khoảng 9,2 triệu m³. Riêng trong tháng 5 và tháng 6-2024, các nhà thầu cần khoảng 2,2 triệu m³ để triển khai thi công. Ba tháng kế tiếp cần thêm 1,9 triệu m³.

Vào ngày 1-4, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Tổ công tác liên ngành để hỗ trợ giải quyết dứt điểm vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm phía Nam. Đến 12-4, Cục Khoáng sản Việt Nam (thường trực Tổ công tác liên ngành) đã làm việc với các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Sóc Trăng và TP.HCM để giải quyết vướng mắc về nguồn vật liệu cho các dự án.

Theo đó, Cục Khoáng sản Việt Nam đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP khẩn trương lấy mẫu khảo sát và xác định khối lượng cát đắp nền đường cần các địa phương hỗ trợ cho dự án vành đai 3 TP.HCM. Đồng thời, sớm có văn bản báo cáo Tổ công tác liên ngành để Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng xem xét, chỉ đạo.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, kết quả khảo sát, thí nghiệm ở 44 mỏ cát tại ba tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre cho thấy có 28 mỏ đạt chất lượng theo yêu cầu kỹ thuật của dự án vành đai 3 TP.HCM. Trong đó, có 7 mỏ tại Vĩnh Long, 17 mỏ tại Tiền Giang, 4 mỏ tại tỉnh Bến Tre.

Căn cứ kết quả như trên, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM có văn bản kiến nghị tổ trưởng Tổ công tác liên ngành do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo nhằm giải quyết tình hình khó khăn về nguồn cát đắp nền, đảm bảo cho dự án vành đai 3 TP.HCM hoàn thành đúng tiến độ.

Tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần 3 vào ngày 5-5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo tiến độ thực hiện các dự án giao thông quan trọng, liên kết vùng, trong đó có vành đai 3 TP.HCM. Theo đó, hiện dự án vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Long An đạt hơn 22% khối lượng. Đoạn qua TP.HCM đạt khoảng 12,5% khối lượng. Đoạn qua tỉnh Bình Dương đạt hơn 9% và qua tỉnh Đồng Nai đạt hơn 2%.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đoạn qua TP.HCM có khó khăn về thiếu nguồn cát san lấp nên phần đường đang chậm tiến độ. Còn đoạn qua tỉnh Đồng Nai chậm khoảng 2 tháng do chậm giải phóng mặt bằng. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các địa phương có dự án đi qua tiếp tục phối hợp với các địa phương có nguồn cát trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long để được hỗ trợ, giải quyết dứt điểm cát đắp nền đường.

Vành đai 3 TP.HCM có mục tiêu thông xe phần cao tốc năm 2025

Vành đai 3 TP.HCM dài 76km đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Công trình đặc biệt quan trọng này được khởi công vào tháng 6-2025 và có mục tiêu là thông xe phần cao tốc vào năm 2025, hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.

Vành đai 3 TP.HCM có 8 dự án thành phần, mỗi địa phương triển khai hai dự án thành phần bao gồm xây lắp và giải phóng mặt bằng.

Thiếu cát, đường vành đai 3 TP.HCM phải nằm chờ, cỏ mọc xanh umThiếu cát, đường vành đai 3 TP.HCM phải nằm chờ, cỏ mọc xanh um

Do thiếu cát nên một số gói thầu tuyến vành đai 3 TP.HCM phải nằm chờ. Mặt bằng dọn dẹp nhiều lần nhưng chưa thể thi công, đường công vụ không có nên máy móc, thiết bị khó tiếp cận.





Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: vành đai 3 TP.HCM